ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC - GIÁO DỤC STEAM
Giáo dục STEAM đã và đang bắt đầu phát triển vượt bậc như một phương thức tiếp cận nền giáo dục. STEAM mang lại đặc trưng riêng biệt và khác so với các phương pháp dạy học khác bởi nó có sự kết hợp của nhiều môn học. Thông qua các hoạt động nhóm, trẻ được nêu ý kiến, mạnh dạn thử nhiều lần và tự kết luận cho vấn đề trẻ đang tìm hiểu. Những bài học thực hành trong lớp học STEAM sẽ cho trẻ cơ hội được vận dụng lý thuyết từ nhiều lĩnh vực khác nhau vào trong thực tế, từ đó phát huy trí tưởng tượng phong phú và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề theo tư duy của trẻ. Hiệu quả giáo dục mà nó mang lại cho trường học nói chung và trẻ mầm non nói riêng là vô cùng lớn.
STEAM là viết tắt của từ gì?
STEAM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Math (Toán học). Đây là một phương pháp giáo dục tích hợp đầy đủ 5 yếu tố khoa học – công nghệ – kỹ thuật – nghệ thuật – toán học, cung cấp cho học sinh những kiến thức toàn diện của cả 5 lĩnh vực và thông qua hoạt động thực hành, trải nghiệm cung cấp nhiều kỹ năng thực tế cho trẻ.
Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật trên thế giới hiện nay thì nhu cầu làm việc liên quan đến STEAM ngày càng lớn, đòi hỏi ngành giáo dục cũng phải có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục STEAM có thể tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc của thế kỷ mới có tác động lớn đến sự thay đổi nền kinh tế đổi mới. Không phải là những cách đào tạo, những bí quyết học cao siêu để dạy học sinh thành tài, thành những nhà toán học, khoa học vĩ đại.... mà phương này sẽ phát triển các kỹ năng cho trẻ để chúng có thể sử dụng trong cuộc sống tương lai, biết thực hành các kỹ năng cần thiết. Tạo điều kiện cho trẻ khai mở tiềm năng và trí thông minh vượt trội của mỗi cá nhân để phát triển toàn diện. Trẻ em học tốt nhất khi kiến thức được tiếp thu trong tạng thái tinh thần hứng khởi tự nhiên, tràn đầy năng lượng và óc tò mò. Vì thế chúng ta cần đưa giáo dục STEAM sớm vào trường học.
Trường Mầm non Gia Khánh “Trường đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và Chương trình giáo dục STEAM cùng sunbot”. Đây là niềm vinh dự vì “Thầy có giỏi thì trò mới giỏi” đi đầu trong thực hiện phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới là mở ra một chân trời mới trước mắt trẻ thơ. Mỗi CBGNNV trong nhà trường không dừng lại ở đây mà từng giờ, từng ngày vẫn cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, năng động, sáng tạo thực hiện giáo dục STEAM trong các hoạt động học tập và vui chơi của các cháu, đây cũng là trách nhiệm lớn của đội ngũ giáo viên trong nhà trường trước tương lai của con em xã Gia Khánh.
Tưởng chừng việc ứng dụng STEAM trong giáo dục mầm non là một thứ gì đó khá mơ hồ, rất khó khăn khi thực hiện. Nhưng các bậc phụ huynh hãy yên tâm vì thực chất những hoạt động STEAM vô cùng đơn giản và gần gũi đấy ạ.
Chẳng hạn như cho trẻ đi bộ và khám phá mọi thứ trên hành trình mà chúng bắt gặp sẽ là một trải nghiệm rất thú vị cho STEAM. Cô giáo sẽ giúp trẻ chuẩn bị những chiếc túi xinh xinh để mang theo mình và thu nhặt những chiếc lá, những viên đá hay những loại hạt…Thành phẩm thu được sẽ được các em tự sắp xếp, phân loại theo màu sắc, hình dạng, kích thước…Một hoạt động đơn giản như thế này thôi cũng đã giúp trẻ vận dụng các kỹ năng toán học và khoa học trong đó rồi đấy các ba mẹ.
Hay như việc cho trẻ STEAM với nước, cô giáo sẽ chuẩn bị sẵn cho trẻ một chậu nước nho nhỏ với các dụng cụ đi kèm là ống mút, chai rỗng, cốc đo…sau đó để cho mỗi trẻ thử nghiệm làm những chiếc bè nổi, đổ đầy nước chai và so sánh. Hoạt động này sẽ giúp trẻ áp dụng được các kỹ năng toán học, khoa học và kỹ thuật đấy các ba mẹ ạ.
Hoặc đơn giản như cô giáo sẽ đưa ra các thử thách, cho trẻ tự xây dựng ngôi nhà, mô hình kim tự tháp làm bằng que kem, giấy, cốc nhựa, chai nhựa….Sau đó yêu cầu trẻ đo đạc chiều cao của ngôi nhà, tháp và đếm số lượng cốc, chai, ly nhựa để xây nhà, tháp…Từ đó mà bé đã vận dụng được kỹ năng toán học, kỹ thuật vào với nhau một cách hiệu quả đấy ạ.
Song song với các hoạt động, cô giáo sẽ đưa ra những câu hỏi khác nhau để giúp trẻ tăng hiểu biết, kinh nghiệm, ví dụ như: “con gì đây con?”, “con có thể kể cho cô nghe cách con xây ngôi tháp này như thế nào không?”, “chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cho bột nở vào nước con nhỉ?”, “quả cam này hình tròn đúng không con?”…
Các phụ huynh cũng biết đấy, trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, qua những bài giảng mà trẻ sẽ học qua chính những trải nghiệm mọi thứ diễn ra trong cuộc sống thực. Trẻ mầm non tư duy trực quan nên cho trẻ quan sát và tự thực hiện các thí nghiệm, các cô giáo sẽ tập trung đặt cho trẻ những câu hỏi để trẻ nói ra những suy nghĩ về những gì mà trẻ quan sát thấy được nghe được.
Như vậy, những lợi ích mà giáo dục STEAM có thể mang lại cho trẻ là vô cùng lớn, để thực hiện giảng dạy theo phương pháp này cũng không phải là điều dễ dàng. Nhưng chắc chắn khi trẻ được tiếp cận với phương pháp này, phụ huynh sẽ thấy trẻ sẽ rất say sưa, tập trung, tìm tòi khám phá và khơi gợi niềm đam mê, nhiệt huyết của trẻ.
SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRẺ THAM GIA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC STEAM
Trẻ dạo chơi ngoài cánh đồng
Làm bè nổi từ ống mút
Thí nghiệm thổi bóng bay bằng bakinh so đa
Làm ô tô từ hộp sữa
Trẻ làm đám mây từ bông
Trẻ làm xe tăng tặng chú bộ đội nhân ngày 20/12
Trẻ làm ngôi nhà bằng que kem