BÀI TUYÊN TUYỀN
PHỤ HUYNH CHĂM SÓC TRẺ THỪA CÂN, BÉO PHÌ
Kính thưa các Qúy bậc cha mẹ học sinh trường Mầm non Gia Khánh!
Thừa cân béo phì ở trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng. Chúng thường được “che đậy” bởi một cơ thể mũm mĩm nhưng khi kiểm tra mới phát hiện trẻ bị thiếu rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Có nhiều bậc phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, béo phì cho đến khi đi kiểm tra mới biết được gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Mời các bậc phụ huynh cùng tham khảo bài viết sau:
- Nguyễn nhân gây béo phì
1.1.Do chế độ ăn sai: Trẻ nạp quá nhiều năng lượng, các loại thức ăn nhiều chất đạm, đường, dầu, mỡ. Ăn các đồ ăn nhanh, uống nhiều nước ngọt, ăn vội ở các hàng quán. Ăn vặt nhiều đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Lạm dụng các thiết bị điện tử lười vận động khiến thức ăn vào cơ thể không được tiêu hao. Khi khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể, dẫn đến năng lượng bị dư thừa sẽ được chuyển tình trạng mỡ tích tụ trong các tổ chức gây béo phì. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em hiện nay.
1. 2. Nguyên nhân khác: Bên cạnh chế độ ăn sai, ít vận động thừa cân béo phì ở trẻ em có thể do yếu tố di truyền. Khi bố mẹ bị thừa cân béo phì có thể mang một trong số các gen tiêu hao năng lượng, điều hòa chuyển hóa các chất và sự phát triển tế bào mỡ có thể di truyền cho trẻ nên trẻ dễ bị thừa cân béo phì hơn so với những trẻ khác. Ngoài ra đối với trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, trẻ dưới 5 tuổi ngủ ít cũng dễ có nguy cơ gây dư cân béo phì.
2. Những hậu quả do thừa cân béo phì ở trẻ em gây ra
Thừa cân, béo phì ở trẻ em không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ. Những trẻ bị thừa cân béo phì khi bệnh nặng sẽ khó chữa hơn so với trẻ đủ cân. Trẻ béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh như cao huyết áp, dư mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu,… do hệ nội tiết, chuyển hóa bị ảnh hưởng. Bé dễ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, đau thắt lưng khi bị thừa cân béo phì, do trọng lượng cơ thể tăng, gây sức nặng đè ép lên các khớp của trẻ. Khi bị thừa cân béo phì trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ: khi bị thừa cân béo phì bé dễ bị tự ti, do bạn bè trêu gẹo, chế giễu, dần dần khiến con trở nên thụ động, thiếu linh hoạt, cô độc, trầm cảm.
Đặc biệt nếu hồi nhỏ bị thừa cân béo phì, khi trưởng thành trẻ sẽ dễ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ,…
3. Vì sao trẻ thừa cân nhưng vẫn thiếu chất?
Rất nhiều bậc phụ huynh không nhận ra trẻ bị thừa cân, do tâm lý thường cho rằng con mập một chút mới là đủ, là khỏe. Nhưng thực tế có một số bé dù bị coi là “hơi còi” nhưng thực chất là bé đã đủ cân rồi. Trẻ thừa cân béo phì nhưng lại thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết do chúng được “che đậy” dưới thân hình mũm mĩm vì vậy các bậc phụ huynh thường cho rằng con mập tức là đủ chất nhưng thực ra không phải.
Bởi thừa cân béo phì là do bé chủ yếu tiêu thụ các chất đạm, đường, chất béo, còn các chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết khác có thể bị thiếu hụt mà ba mẹ không hề biết, chỉ đến khi đi thăm khám mới phát hiện ra.
Đặc biệt, trẻ thừa cân, béo phì rất hay thiếu vitamin D. Đây là một chất rất cần thiết cho quá trình tổng hợp xương vững chắc, giúp trẻ cao lớn hơn. Khi thiếu vitamin D trẻ cũng dễ mắc các bệnh về hô hấp như hen phế quản, bệnh nhiễm trùng, …
4. Chế độ ăn đối với trẻ béo phì
Đối với trẻ béo phì, cần có sự thay đổi chế độ ăn nhưng không đặt mục tiêu giảm cân mà chỉ làm giảm tốc độ tăng cân. Trẻ vẫn phải được ăn một chế độ ăn phù hợp với nhu cầu sinh lý của trẻ hoặc chỉ phải giảm ít, đặc biệt vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự lớn lên và phát triển của đứa trẻ, đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng: canxi, sắt, kẽm, ...Chúng ta cần lưu ý về khẩu phần ăn của trẻ béo phì như sau:
- Khẩu phần ăn của trẻ cần cân đối, hợp lý, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh chỉ ăn một loại thực phẩm nào đó.
- Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Không nên uống sữa đặc có đường.
- Khi chế biến thức ăn: hạn chế các món chiên, xào, nên làm các món luộc, hấp, kho.
- Khuyên trẻ nên nhai kỹ và ăn chậm, ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu bị quá đói, trẻ ăn nhiều trong các bữa sau làm mỡ tích luỹ nhanh hơn.
- Nên ăn nhiều vào bữa sáng để tránh ăn vặt ở nhà, giảm ăn về chiều và tối.
- Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt.
- Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô.
- Đối với trẻ dưới 2 tuổi, các bà mẹ cần nhớ:
+ Cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sau sinh.
+ Không cho trẻ ăn nhiều quá, thể tích mỗi bữa phải phù hợp với tháng tuổi.
+ Cháo, bột cần có mức năng lượng thấp, không cho thêm các thực phẩm nhiều béo vào bát bột, cháo của trẻ như: bơ, phomat, sữa giàu béo.
- Một số điều sau đây các bà mẹ nên tránh:
+ Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga, nhiều đường.
+ Hạn chế các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường.
+ Không nên dự trự sẵn các loại thức ăn giàu năng lượng như: bơ, pho mát, bánh, kẹo, chocola, kem, các loại nước ngọt trong nhà.
+ Không nên cho trẻ ăn vào lúc tối trước khi đi ngủ.
Ngoài thay đổi chế độ ăn, cần giúp trẻ tăng cường vận động. So với thay đổi chế độ ăn, tăng cường cho trẻ hoạt động thể lực tỏ ra có hiệu quả hơn, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt. Các biện pháp sau đây giúp trẻ tăng cường vận động:
- Tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động.
- Chú trọng những sở thích của trẻ về các môn thể thao dễ dàng gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, đi bộ, chạy, nhảy dây, đá bóng, leo cầu thang...
- Nên hướng dẫn trẻ làm các công việc ở nhà: lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc...
- Hạn chế ngồi xem tivi, video, trò chơi điện tử...
SAU ĐÂY LÀ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẺ Ở TRƯỜNG MẦM NON
Hoạt động ngày hội ngày lễ ở trường mầm non
Hoạt động dạo chơi ngoài cánh đồng
Hoạt động học
Hoạt động ca hát
Trẻ dự tiệc Ẩm thực Việt nhân ngày Tết Đoan ngọ